[ad_1]
Mỹ phẩm Việt: Khẳng định bằng chất lượng
Mỹ phẩm Việt muốn chinh phục khách hàng bằng cách lặng lẽ khẳng định qua chất lượng tốt, giá thành và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, như thế vẫn chưa đủ.
Các công ty mỹ phẩm của Việt Nam đều nỗ lực thiết lập con đường đi riêng, thay vì đổ tiền vào quảng cáo, họ lặng lẽ khẳng định qua chất lượng, giá thành.
Như công ty Titione phát biểu: “Với số tiền dùng cho quảng cáo, chúng tôi nhận thấy có thể làm nhiều hơn cho những khách hàng thân thuộc của mình (chương trình khuyến mãi, quà tặng khách hàng…), đầu tư hoàn thiện cho dòng sản phẩm và mặc khác đảm bảo cho đời sống đội ngũ nhân viên bán hàng giỏi.”
Theo đó, từ ngày 1/1/2008, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ hiệp định mỹ phẩm ASEAN, cách thức quản lý mỹ phẩm được thực hiện thống nhất ở tất cả các nước thành viên. Vì vậy, mỹ phẩm của Việt Nam không thua kém về chất lượng so với nhiều nước khác.
Đa số người dùng hàng mỹ phẩm Việt đến với các sản phẩm vì chất lượng và giá thành
(Ảnh: T.Thạnh)
Mỹ phẩm Việt: Khách hàng là thượng đế
Bên cạnh đó, dịch vụ chăm sóc khách hàng và hệ thống phân phối của các công ty cũng được chú trọng nhằm đem lại những giá trị tốt đẹp cho người mua hàng.
Cửa hàng đại diện của các sản phẩm mỹ phẩm Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhân viên được đào tạo quy củ, am tường về sản phẩm, cách sử dụng và có kiến thức về làm đẹp nên khách cần lời khuyên gì là có thể tư vấn ngay. “Cần thì cứ đến cửa hàng, mấy cô ở đó tận tình lắm. Mẹ nào thắc mắc gì cứ hỏi, biết thêm công dụng nhiều sản phẩm và một số bí quyết dưỡng da khác nữa đấy.” nick Ai. nói.
Chị Loan, Q.Tân Bình, chia sẻ: “Trước kia mình đến salon, siêu thị hay chợ để mua, nhưng giờ mấy hãng mình hay xài như Essy, Lana, Titione, Veddette đều có cửa hàng online rồi, nhấp chuột chọn hàng là xong, nếu có thắc mắc gì thì gọi hoặc mail cho chăm sóc khách hàng, tiết kiệm được kha khá thời gian đấy. ”
Gian hàng trưng bày ngày càng chuyên nghiệp, đẹp mắt. (Ảnh: SCC)
Mỹ phẩm Việt Nam: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Khó có thể phủ nhận, một bộ phận người tiêu dùng hài lòng và gắn bó với mỹ phẩm Việt vì chất lượng mà nó mang lại.
Ngay nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long cũng từng kể: công việc ca hát đòi hỏi anh phải trang điểm hằng ngày, dùng bao nhiêu mỹ phẩm cho nam ngoại nổi tiếng mà da mặt vẫn bị tổn thương. Sau một lần được bạn bè giới thiệu, Kim Tử Long mạnh dạn xài, và nhận ra hàng Việt rất tốt nên anh đã giới thiệu với đồng nghiệp, bạn bè.
Chị em phụ nữ dùng mỹ phẩm Việt Nam đa phần vì nó rẻ, chất lượng ổn và nguồn gốc thiên nhiên, hợp với cơ địa của hầu hết mọi loại da.
Chị Uyên, 26 tuổi, nhân viên công ty VNG, chia sẻ: “Da tôi nhạy cảm lắm, hay bị dị ứng, nên không muốn dùng mỹ phẩm nhưng có người bạn giới thiệu nên thử xài mấy nhãn Titione, E100, Lana. Cũng may là da tôi hợp nên không có vấn đề gì, từ mấy năm nay toàn xài hàng này không.”
Còn chị Mỹ Phượng, 30 tuổi, công ty MBS, nói: “Chị thì không quan tâm lắm đến giá cả, chị chọn hàng Việt vì nguồn gốc của nó thôi, thấy thành phần toàn là từ thiên nhiên: cám gạo, dưa leo, nghệ này nọ nên thích dùng.”
Nhân viên luôn tận tình tư vấn cho khách hàng. (Ảnh: Báo Hải Phòng)
Tiếng lành đồn xa, mỹ phẩm Việt được “quảng cáo” qua chính sự chia sẻ của những người đã dùng và tin tưởng sản phẩm. Điển hình là trên các diễn đàn có rất nhiều topic ủng hộ mỹ phẩm Việt. Ngày càng có nhiều chị em văn phòng hỏi han kinh nghiệm dùng cũng như địa chỉ bán các sản phẩm như Phấn nụ bà Tùng,Lana, Vedette, Lovande, Thebol, E100, Titione, Thorakao… trên toàn quốc.
Mỹ phẩm Việt vẫn coi nhẹ khâu quảng cáo
Tuy nhiên, chỉ tập trung vào chất lượng mà thiếu sự quan tâm đến bao bì, mẫu mã, PR thương hiệu, mỹ phẩm Việt đã bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
Số khách hàng tiếp xúc thử với sản phẩm vì vô tình thấy trong siêu thị, nhà sách rồi truyền miệng cho nhau vẫn là đường đi chủ yếu của mỹ phẩm Việt Nam. Ngoài ra, một số nhãn hàng xác định thị trường trọng điểm là xuất khẩu chứ không phải trong nước nên họ không chi mạnh cho quảng bá tại Việt Nam. Chính vì thế, người tiêu dùng không biết đến tên của các sản phẩm chất lượng trong nước.
Trong khi đó, mỗi nhãn hàng ngoại khi vào Việt Nam đều quảng cáo rầm rộ trên truyền hình, tạp chí, ngoài trời… và những năm gần đây là quảng cáo trên Internet… làm khách hàng dần thân thuộc với tên và sản phẩm của hãng. Đây cũng là lý do tại sao người Việt biết đến mỹ phẩm ngoại nhiều hơn mỹ phẩm Việt.
Cô Hương, chủ gian hàng mỹ phẩm ở chợ Phạm Văn Hai, TPHCM nói rằng nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng không kém hàng ngoại nhưng thiếu sự đầu tư, chăm chút cho mẫu mã và quảng cáo nên rất khó cạnh tranh.
Chị Thùy Trinh, 32 tuổi, nhân viên văn phòng, cho biết: “Mình không dùng mỹ phẩm Việt mấy vì không rành hãng nào, nhãn nào nữa. Có thấy quảng cáo gì đâu phải không?”
Tên các nhãn hàng và sản phẩm mỹ phẩm Việt còn xa lạ với nhiều người dùng
vì chưa có đầu tư vào quảng cáo, quảng bá thương hiệu rộng rãi.
Không những thế, có những người đã quen với tên của thương hiệu lớn nước ngoài, rất ngạc nhiên khi nghe thấy tên của các nhãn Việt Nam: Vedette, Lovande, Thebol như chị Anh Thư, 25 tuổi, nhân viên Payoo: “Ủa, có mấy nhãn đó hả? Nó về cái gì vậy bạn? Son hay phấn trang điểm?”
Nhiều chị em nghĩ: “Mỹ phẩm dùng trực tiếp cho da, cho thân thể mình, tốt nhất là cứ chọn hàng có thương hiệu, quảng cáo nhiều cho chắc. Hàng không biết thử rồi khéo có vấn đề gì lại mệt thêm”, chị Nhung, nhân viên phòng vé máy bay (Q. Tân Bình) nêu ý kiến.
Ngay công ty Titione cũng thừa nhận: “Một bộ phận người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng hàng ngoại khá nhiều vì họ cho rằng sản phẩm quảng cáo nhiều là tốt.”
Chưa có thương hiệu, phân phối hàng còn nhiều hạn chế
Đối với chị em phụ nữ, mỹ phẩm còn thể hiện phong cách, đẳng cấp của người dùng. Trong khi đó, mỹ phẩm Việt lại chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, vì chất lượng mỹ phẩm Việt chưa được đồng đều giữa đồ trang điểm và mặt hàng chăm sóc da nên có một sự thật là nhiều chị dùng sản phẩm dưỡng da là hàng Việt nhưng khi trang điểm thì nhất thiết dùng hàng ngoại.
“Không phải mình ham hàng ngoại đâu, nhưng khi đi gặp khách hàng, nhìn hộp phấn, thỏi son, hay mùi nước hoa là người ta đã đánh giá mình rồi. Vì hàng ngoại nó có cá tính, ví dụ như năng động thì mùi nước hoa này, dịu dàng thì dùng màu phấn kia, sành điệu thì son nọ. Chứ còn hàng Việt thì chưa có thương hiệu, nó không thể hiện được đẳng cấp và phong cách của người dùng”, chị Linh, nhân viên Marketing của một công ty xuất nhập khẩu nói.
Chất lượng không chưa đủ, khách hàng còn mong muốn những thiết kế bao bì đẹp,
hợp sở thích và sản phẩm có cá tính, thương hiệu nữa. (Ảnh: Getty)
Ngoài ra, mấy năm trở lại đây, dù đã và đang cố gắng cải thiện bao bì, mẫu mã nhưng nhìn chung, so với hàng ngoại thì sản phẩm của Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều. Chị Phương, giáo viên trường quốc tế Á Châu thẳng thắn: “Chưa cần biết tốt hay không, nhìn hộp ngoài, bao bì của hàng Việt là khó có cảm tình bằng hàng hiệu rồi. Nhìn cứ quê quê sao ấy, mà không chắc chắn nữa. Rẻ thật đấy, nhưng bỏ thêm tí tiền để có hàng vừa đẹp vừa tốt vẫn thích hơn chứ.”
Đồng suy nghĩ này, chị Thư, chủ hàng hoa Q.12, cho biết: “Cái đập vào mắt người ta đầu tiên là bao bì mà. Nhìn thấy thu hút, đẹp, người ta mới hay chú ý, chú ý rồi người ta mới chọn và tìm hiểu, hàng Việt có khi tốt thật nhưng đã không chú trọng quảng cáo, nhiều cái nhìn không bắt mắt nên nhiều người còn chưa quan tâm là điều tất nhiên.”
Một khúc mắc khác khiến nhiều khách hàng còn e dè với hãng Việt Nam là việc tìm chỗ mua hàng. Nhiều hãng chỉ có một cửa hàng chính ở thành phố lớn, chỉ trong một hệ thống siêu thị nhất định; hệ thống bán hàng online thuận tiện nhưng giá vận chuyển còn cao so với mặt bằng sản phẩm, ví dụ mua sản phẩm có 50 ngàn thì tiền chuyển hàng mất thêm tới 15 ngàn nữa.
Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài có showroom, gian hàng, các cửa hàng đại diện khắp mọi nơi, dễ dàng cho người tiêu dùng đến tận nơi xem hàng, chọn và nhận sự tư vấn trực tiếp.
Quả thật, chất lượng là thứ giá trị cốt lõi giữ chân khách hàng của thương hiệu nhưng rõ ràng bao bì đẹp, hình ảnh công ty, nhãn hiệu tốt là một lợi thế không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Hi vọng rằng với những nỗ lực cải tiến, ngành mỹ phẩm Việt sẽ dần mang một diện mạo mới, vừa có “hương” vừa có “sắc” và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của phụ nữ Việt nói riêng và người Việt nói chung trong thời gian không xa.
[ad_2]
Source link